LTS: Sự ra đời của Quốc hội Việt Nam là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, thể hiện khí phách, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập tự do của dân tộc ta. 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Ở mọi thời kỳ, Quốc hội Việt Nam đều không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng. Nhiệt liệt chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Báo Bình Dương thực hiện loạt bài viết “Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”.
Bài 1: Ngày vui sướng của đồng bào ta...
Cách đây 75 năm, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên toàn thể nhân dân được hưởng quyền làm chủ trong việc sáng suốt lựa chọn, bầu ra những người đại diện xứng đáng thay mặt nhân dân gánh vác công việc chung của đất nước.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I bầu ra. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải tập trung tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Bác đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17-10-1945 về tổ chức tổng tuyển cử. Trên cơ sở sắc lệnh đó, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6-1-1946.
Kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam không ngừng đổi mới trên các lĩnh vực hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
|
Để tổ chức tổng tuyển cử, các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do UBND các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Quốc dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày lịch sử - ngày 6-1-1946: Toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Tổng số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam (còn tiếp).
ĐÀM THANH (thực hiện)
Chia sẻ bài viết: |