Tiêu điểm
, 16/10/2024 13:30

Tin tức

Mối liên hệ máu thịt giữa đại biểu Quốc hội và cử tri

Cập nhật: 04-07-2021 | 13:37:36

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Để thực hiện trọn vẹn vai trò này, một số đại biểu có bề dày kinh nghiệm hoạt động chia sẻ, các đại biểu lần đầu trúng cử của nhiệm kỳ Khóa XV phải luôn khắc sâu tâm nguyện phục vụ cử tri, thực sự là máu thịt của Nhân dân, không “ủy nhiệm” lòng tin của cử tri cho người khác.


Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Lê Nam chia sẻ kinh nghiệm tiếp xúc cử tri với đại biểu lần đầu trúng cử

Lắng nghe dân

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Thái Bình đã nhận được yêu cầu của cử tri về việc đại biểu dân cử phải gần dân, lắng nghe dân. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng nhất để cử tri lựa chọn ra người đại diện cho mình tại Quốc hội. Cử tri ở các điểm tiếp xúc cũng nhấn mạnh, mỗi đại biểu Quốc hội phải luôn có ý thức làm tròn vai trò cầu nối, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến Đảng, Nhà nước. Không chỉ cử tri tỉnh Thái Bình, “gần dân, sát dân, lắng nghe dân” là yêu cầu được cử tri cả nước đặt ra với người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình, những người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực của Nhân dân trong Quốc hội.   

Để trọn vẹn với niềm tin của cử tri gửi gắm trong mỗi lá phiếu, theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Khóa XIV tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, mỗi đại biểu Quốc hội lần đầu trúng cử phải luôn nhắc nhở mình không quên trách nhiệm với cử tri được quy định rõ tại Điều 27, Điều 28 của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội; tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm. Đồng thời, đại biểu Quốc hội cũng có thể giữ mối liên hệ với cử tri thông qua tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Trong thực tế, việc tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với cử tri không chỉ dừng ở một số hình thức, địa điểm được quy định trong các luật liên quan. Thực tế cuộc sống đa dạng hơn những quy định của luật pháp. Nhấn mạnh điều này, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Khóa XIII Lê Nam cho biết, các đại biểu lần đầu trúng cử cần sẵn sàng quen với việc cử tri đến nhà riêng của đại biểu đề nghị gửi đơn, tranh thủ kiến nghị, giãi bày oan khuất... Khi tình huống này xảy ra, ông Lê Nam cho rằng, đại biểu Quốc hội không nên né tránh, tùy theo sự cảm nhận của bản thân về mức độ an toàn, minh bạch, tính cấp thiết của sự vụ để tiếp xúc hợp lý.

“Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cuộc tiếp xúc đột xuất để giải quyết kiến nghị của cử tri, có những cuộc ngay trong thời gian Quốc hội đang họp. Đó là tiếp xúc cử tri huyện Cẩm Thủy trong vụ Công ty Nicotec Thành Thái gây ô nhiễm môi trường; tiếp xúc cử tri bị chất độc da cam/dioxin; cử tri huyện Bá Thước bị doanh nghiệp khai thác đá làm thiệt hại nhà cửa, đảo lộn cuộc sống...”. Nhắc lại những cuộc tiếp xúc này, ông Lê Nam chia sẻ, khi người dân bị oan khuất, lợi ích bị xâm phạm, khiếu nại hoài không thấu..., đại biểu Quốc hội đến với họ, lắng nghe những yêu cầu chính đáng của dân cũng là lúc thể hiện rõ nhất phẩm chất người đại diện của Nhân dân. 

 Một cách thức khác để giữ mối liên hệ với cử tri được các đại biểu Quốc hội có nhiều kinh nghiệm hoạt động qua các nhiệm kỳ nhấn mạnh là thông qua báo chí, mạng xã hội, cũng như từ sinh hoạt thường nhật của bản thân. Trong đó, đại biểu Quốc hội Khóa XIII thành phố Hà Nội Bùi Thị An cho biết, việc tiếp cận, sử dụng mạng xã hội cần được thực hiện thận trọng, có kiểm chứng, qua đó giúp đại biểu có thêm nguồn thông tin để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ của người dân. Với báo chí, bà Bùi Thị An lưu ý, đại biểu Quốc hội cần có tinh thần sẵn sàng tiếp xúc, tạo hình ảnh tốt đẹp với báo chí. Bởi thông qua báo chí sẽ cho cử tri thấy việc thực hiện lời hứa của đại biểu khi vận động bầu cử, và ngược lại có thể giúp nhanh chóng đem nguyện vọng chính đáng của cử tri đến với cơ quan có thẩm quyền, góp phần rút ngắn việc giải quyết kiến nghị của Nhân dân.

Phải coi là trách nhiệm tự thân

Giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri là một phương thức để đại biểu Quốc hội thực hiện vai trò, trách nhiệm đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định. Về nguyên tắc là như vậy, song theo ông Lê Nam, đại biểu Quốc hội phải luôn khắc sâu tâm nguyện phục vụ cử tri bầu ra mình. Ông cũng lưu ý, đại biểu Quốc hội không nên “ủy nhiệm” lòng tin mà cử tri đã gửi gắm mình cho người khác. Đại biểu Quốc hội được bầu trên cơ sở lòng tin của cử tri nên khi thực hiện tiếp xúc cử tri, tiếp công dân... phải coi đó là trách nhiệm, quyền hạn của chính mình, không coi đây là một nghĩa vụ theo kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội, chỉ tham gia theo kế hoạch chung, xong kế hoạch là xong việc. Cách làm này, theo ông Lê Nam, là sự ủy nhiệm quan hệ với cử tri cho Đoàn đại biểu Quốc hội.

Việc giữ mối liên hệ với cử tri, theo nhiều đại biểu tham dự Hội nghị giới thiệu về Quốc hội cho người mới trúng cử do Ban Công tác đại biểu vừa tổ chức, không chỉ thực hiện bằng niềm tin nội tâm và ý thức trách nhiệm của đại biểu Quốc hội lần đầu trúng cử. Mối liên hệ với cử tri muốn giữ gìn được cũng đòi hỏi đại biểu Quốc hội thường xuyên rèn luyện, trau dồi kiến thức và kỹ năng hoạt động.

 Đại biểu Quốc hội phải tích cực sắp xếp, bố trí kế hoạch, chủ động, cũng như chuẩn bị chu đáo khi tiến hành tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giải quyết đơn thư... Theo đuổi đến cùng những vấn đề cử tri gửi gắm, bản thân thấy chính đáng, có đủ điều kiện thực hiện, dù là một vụ việc cụ thể. Chủ động phối hợp với các đại biểu Quốc hội am hiểu trong từng lĩnh vực, các cơ quan của Quốc hội, cũng như các cơ quan hữu quan, nhà khoa học, cơ quan truyền thông... để làm rõ vấn đề được cử tri phản ánh, kiến nghị. Và, với sự công phu chuẩn bị thực hiện, giữ bản lĩnh cao, không ngại khó khi tiến hành mỗi hoạt động, theo đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Cuông, hình ảnh của đại biểu Quốc hội sẽ tự đi vào lòng dân. Điều đó có ý nghĩa hơn mọi lời ca tụng, bằng khen.

Theo daibieunhandan.vn

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM