Tiêu điểm
Thứ 6, 22/11/2024 10:34

Tin tức

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về bầu cử

Cập nhật: 13-05-2021 | 09:06:03

Bảng niêm yết danh sách cử tri. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Hướng tới Ngày Bầu cử 23/5/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Theo đó, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật về bầu cử, Kế hoạch của Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Hoạt động thông tin, tuyên truyền về bầu cử đã được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh nhiều đợt cao điểm.

Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử. Bộ Tư pháp tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.”

Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các hình thức thông tin, tuyên truyền về bầu cử phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Các báo, đài ở Trung ương và địa phương đã tập trung phản ánh không khí chuẩn bị cho cuộc bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nhằm thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật bầu cử để giúp cử tri hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử; đồng thời kịp thời đấu tranh, phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử, căn cứ các quy định pháp luật về bầu cử, các tổ chức phụ trách bầu cử đã trực tiếp hoặc chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan xác minh và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử, về nhân sự ứng cử bảo đảm kịp thời, khách quan, chính xác, đúng pháp luật.

Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức tiếp công dân, bảo đảm trật tự phục vụ cuộc bầu cử; hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện bức xúc, kéo dài để tránh ảnh hưởng tới cuộc bầu cử.

Đến nay, công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trên toàn quốc đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ.

Lực lượng Công an phối hợp với Quân đội có kế hoạch cụ thể bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa và các ‘‘điểm nóng’’ có thể xảy ra trên địa bàn; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động và phòng chống cháy, nổ trên địa bàn; mở các đợt cao điểm tăng cường thực hiện kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình hoạt động của các cơ quan thường trú ngoại giao, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức nhân quyền quốc tế trên địa bàn.

Công tác bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ cuộc bầu cử, các điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, địa điểm bỏ phiếu, in ấn, cấp phát tài liệu, thẻ cử tri, danh sách, tiểu sử những người ứng cử, phiếu bầu cử... đã được các địa phương quan tâm, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm bàn giao cho các tổ chức phụ trách bầu cử theo đúng thời hạn quy định.

Đến nay, 12 địa phương được Hội đồng Bầu cử Quốc gia đồng ý cho bầu cử sớm đối với các khu vực bỏ phiếu có khó khăn trên địa bàn.

Tuy nhiên, hiện công tác chuẩn bị bầu cử ở một số địa phương còn gặp một số khó khăn trong quá trình thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri do nhiều hộ dân đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến; một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do thực hiện sắp xếp, điều chỉnh gần đây nên có thay đổi đơn vị, số liệu báo cáo, thống kê, tổng hợp chưa kịp thời, chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị các công việc của cuộc bầu cử.

Ngoài ra, hoạt động thông tin, tuyên truyền về bầu cử tại một số địa phương, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào là dân tộc thiểu số, có cơ sở hạ tầng hạn chế nên còn gặp nhiều trở ngại. Tại một số nơi, do địa bàn bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử.

Do việc in ấn các tài liệu, biểu mẫu phục vụ công tác bầu cử phải mất nhiều thời gian thực hiện đấu thầu theo quy định, tiến độ chuẩn bị công tác bầu cử tại một số địa phương đã bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường ở một số địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tại nơi có dịch./.

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM