Tiêu điểm
Thứ 7, 23/11/2024 08:11

Tin tức

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV: Nhiều đóng góp nổi bật

Cập nhật: 30-03-2021 | 08:44:34

Bài 1: Tham gia lập pháp, giám sát hiệu quả

LTS: Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm đổi mới, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào hoạt động, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với nhiều thành tựu mang đậm dấu ấn của tư duy đổi mới, sáng tạo. Riêng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Dương khóa XIV, bằng tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất, đã có nhiều đóng góp nổi bật, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri.

Điều trước tiên có thể thấy, chất lượng tham gia xây dựng pháp luật được nâng lên là một trong những dấu ấn rõ nét trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Các đại biểu trong đoàn đã tham luận, phát biểu ý kiến vào nhiều nội dung của kỳ họp; các ý kiến tham gia của đoàn, ý kiến phát biểu của ĐBQH trong đoàn nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao từ cử tri.

Đoàn ĐBQH tỉnh tiến hành họp tổ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Nâng cao chất lượng công tác lập pháp

Xác định công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần hoàn thiện thể chế, Quốc hội khóa XIV tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập. Căn cứ nghị quyết chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp giữa năm và được điều chỉnh, bổ sung, hàng năm Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ đạo văn phòng của đoàn tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai hội nghị góp ý các dự thảo luật trình kỳ họp. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức được 25 hội nghị góp ý 41 dự thảo luật và ban hành công văn lấy ý kiến bằng văn bản đối với 26 dự thảo luật trình các kỳ họp Quốc hội.

Ông Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đánh giá công tác chuẩn bị và tổ chức hội nghị góp ý các dự thảo luật được thực hiện nghiêm túc, có sự đầu tư kỹ lưỡng, chu đáo về nội dung, chương trình hội nghị và công tác hậu cần, phục vụ, qua đó đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong công tác lập pháp. Thành phần khách mời bảo đảm đại diện tiêu biểu cho đối tượng chịu sự tác động của các dự án luật. Sự tham gia nhiệt tình của các ngành, các cấp đã tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với công tác lập pháp của Quốc hội. Qua đó, đoàn tập hợp được nhiều ý kiến sâu sắc về lý luận và thực tiễn, mang tính phản biện cao trên cơ sở định hướng chính sách gắn với tình hình thực tiễn triển khai của địa phương, góp phần hoàn chỉnh dự án luật, bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện...

Đối với các dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ đạo văn phòng của đoàn xây dựng các bảng khảo sát, thăm dò và tập hợp ý kiến cử tri, nhân dân đối với những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau, qua đó đã tạo điều kiện để cử tri và nhân dân tham gia vào quy trình lập pháp của Quốc hội, đồng thời làm căn cứ, cơ sở quan trọng cho Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến thảo luận tại nghị trường.

Thực hiện tốt chức năng giám sát

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành giám sát 10 chuyên đề của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và tham gia 18 đoàn giám sát, khảo sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội làm việc tại địa phương. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tiến hành giám sát thường xuyên công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội và giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phạm Trọng Nhân, các hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH tỉnh trong nhiệm kỳ được tiến hành đúng quy định, bảo đảm kế hoạch và các yêu cầu của đoàn giám sát. Trên cơ sở thực tiễn và kết quả nghiên cứu đã phát hiện, bổ sung, hoàn chỉnh nhiều nội dung, khía cạnh mới, quan trọng của chủ đề giám sát, từ đó đề xuất các kiến nghị sát với thực tế, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, các ĐBQH tỉnh đã phát huy quyền giám sát tại các kỳ họp qua hoạt động thảo luận, tranh luận giám sát tối cao của Quốc hội; đóng góp ý kiến, chất vấn, tranh luận các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp trình các kỳ họp. Công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề luôn được quan tâm, theo dõi nhằm đánh giá hiệu lực, hiệu quả sau giám sát, mức độ triển khai thực hiện các nghị quyết, đồng thời làm cơ sở quan trọng trong xem xét việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành; vai trò, trách nhiệm của các bộ trưởng trong điều hành, tham mưu Chính phủ đối với những kiến nghị được nêu trong các nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội... (còn tiếp)

Trong công tác lập pháp tại các kỳ họp Quốc hội, các ĐBQH tỉnh cũng đã tập trung, tích cực nghiên cứu các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trình kỳ họp, so sánh, đối chiếu với các quy định của Hiến pháp, các nghị quyết của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thể chế hóa đúng tinh thần Hiến pháp, các nghị quyết của Đảng, bảo đảm thống nhất, chặt chẽ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng lợi ích quốc gia, dân tộc và gắn với thực tiễn phát triển sinh động của địa phương...

THU THẢO

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM