Tiêu điểm
, 16/10/2024 14:28

Tin tức

Bầu cử QH và HĐND: Lá phiếu của ý chí, nguyện vọng và quyền công dân

Cập nhật: 23-05-2021 | 10:13:08

Cử tri tham gia đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. (Ảnh: Hiếu Hoàng/Vietnam+)

Tự tay bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, anh Phạm Văn Hòa hồ hởi cho biết: “Lá phiếu này sẽ quyết định đại biểu ứng cử và thể hiện quyền làm chủ của người dân được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Quyền công dân thiêng liêng

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Khu vực bỏ phiếu số 1, Phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), các cán bộ y tế thực hiện các biện pháp về phòng dịch cho người dân đến bỏ phiếu. Sau đó, cử tri được tiến hành đo thân nhiệt. Ngoài việc phát sẵn tờ khai y tế tại nhà, người đến bỏ phiếu cũng có thể quét mã QR code để khai báo y tế. Tại các bàn đón tiếp cử tri đều có cán bộ của tổ bầu cử hướng dẫn các quy trình bỏ phiếu.

Ngay dau lễ khai mạc, các cử tri đều được phân chia giờ bầu cử theo từng khu vực để đảm bảo phòng chống dịch.

Lần thứ 2 được đi bầu cử, anh Hòa chia sẻ cảm xúc đi bỏ phiếu vẫn còn nguyên vẹn như lần đầu. Vì thế, khi được phát thẻ cử tri và phổ biến các quy định bầu cử, anh cùng với các thành viên trong gia đình đều háo hức và chờ đến thời khắc lịch sử để đi bỏ phiếu.

“Với trách nhiệm và quyền lợi của một công dân, qua thời gian nghiên cứu danh sách người ứng cử, tôi hy vọng những đại biểu được bầu chọn ngày hôm nay sẽ là những người có đức, có tài, có tầm và thật sự tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ở Trung ương và địa phương, gánh vác trọng trách vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì đời sống ấm no của nhân dân,” anh Hòa nói. 

Tại khu vực bỏ phiếu số 2 phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bác Lê Mẫn, năm nay 92 tuổi đưa tấm thẻ cử tri đã được đóng dấu xác nhận “Đã bỏ phiếu” và trò chuyện với những người hàng xóm trong Tổ.

Trải qua nhiều lần đi bỏ phiếu, bác Mẫn cho hay các đại biểu ứng cử với nhiều giai tầng, đại diện trong nhiều lĩnh vực và có trí tuệ sẽ gánh vác hết trọng trách được cử tri giao phó.

Theo bác Mẫn, một đại biểu được một người bầu chọn thì sự lựa chọn đó có thể còn cảm tính, chủ quan, nhưng một người cùng được nhiều người dân bầu chọn thì tính đúng đắn của bầu chọn cao hơn rất nhiều, khả năng chọn được đúng người có tài, có đức sẽ cao hơn.

“Lá phiếu bầu chọn của mỗi cử tri là quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước và của chính gia đình mình, cá nhân mình. Không ai có thể thay và không ai có quyền thay công dân để thực hiện việc bầu chọn đó,” bác Mẫn nhấn mạnh.

Lần đầu được bỏ phiếu trong bộ đồ đặc biệt

Thực hiện nghĩa vụ quyền công dân, ngay từ trước giờ khai mạc, Thượng tọa Thích Thanh Điện, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có mặt từ rất sớm để tham gia bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 2 phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo Thượng tọa, bà con nhân dân và phật tự rất hồ hởi phấn khởi vì đi bầu cử hoàn thành nghĩa vụ công dân. Ông cho rằng dù là người tu hành nhưng vẫn là một công dân nên việc đi bầu cử chính là quyền lợi và trách nhiệm đối với xã hội, với đất nước.

“Ứng cử viên tham gia tranh cử đại biểu nhiệm kỳ này có cả tu sĩ, hòa thượng để đại diện tiếng nói cho nhân dân, tham gia ý kiến về các chính sách tôn giáo đối với Quốc hội,” Thượng tọa Thích Thanh Điện nhấn mạnh.

Ngồi gần đó, năm nay 19 tuổi, lần đầu đi tham gia bỏ phiếu, cử tri Vũ Minh Huyền không giấu được sự hồi hộp trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Cả tối qua, Huyền đã đọc và tìm hiểu rõ các quy trình, thủ tục bỏ phiếu cũng như thông tin danh sách người ứng cử. Thậm chí, cô gái trẻ này còn đọc trên mạng những chương trình hành động, đóng góp vào các hoạt động đời sống, xã hội của đại biểu nhằm có sự lựa chọn sáng suốt.

“Đi bỏ phiếu chính là quyền, nghĩa vụ của công dân khi đủ tuổi được bầu cử. Lần đầu được đi bầu nên tôi cảm thấy rất tự hào, vinh dự. Đặc biệt, lần bầu cử này lại trong tình hình dịch bệnh COVID-19 nên sẽ là kỷ niệm khó quên với riêng cá nhân mình,” nữ cử tri trẻ tuổi nói.

Là nhân viên làm việc tại khu vực cách ly cho các ca bệnh COVID-19 tại khách sạn Hà Nội Grand Centre (78 Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Ngọc Kim Loan đã được Tổ bầu cử của phường mang thùng phiếu di động đến tận khách sạn để 4 nhân viên thực hiện quyền công dân.

Cử tri cách ly được Tổ bầu cử của phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội mang hòm phiếu tới tận nơi để thực hiện đầy đủ quyền công dân. (Ảnh: Hiếu Hoàng/Vietnam+)

Theo chị Loan, khách sạn này có 67 người đang cách ly và chị cùng các nhân viên sẽ đảm bảo công tác lau dọn, mang cơm đến cho các đối tượng này.

“Do bị cách ly, lần đầu tiên được đi bỏ phiếu bầu cử trong bộ quần áo đặc biệt gồm bộ quần áo bảo hộ, kính chắn giọt bắn, khẩu trang, gang tay... nên cảm thấy rất xúc động. Dù trong hoàn cảnh này, tôi vẫn được chính quyền các cấp quan tâm để được bỏ phiếu và thực hiện quyền công dân của mình nên rất xúc động,” chị Loan bày tỏ.

Dù chỉ ở trong khách sạn, 4 nhân viên này vẫn được tìm hiểu, tiếp cận các thông tin về danh sách đại biểu ứng cử. Vì thế, khi được bỏ phiếu ngay tại tầng 5 của khách sạn, mọi người đều tin tưởng sẽ sáng suốt để bầu được người đủ đức, đủ tài, biết quan tâm chăm lo đời sống cho người dân.

Với bất kể tầng lớp, địa vị nào thì ngày 23/5 này, mỗi người dân Việt Nam cũng đều được thực hiện quyền làm chủ đất nước khi quyết định lá phiếu bầu cử đại biểu đại diện cho tiếng nói, trách nhiệm cho người dân cả nước./.

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM