Tiêu điểm
Thứ 7, 23/11/2024 15:37

Tin tức

Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch hội LHPN tỉnh: Chuẩn bị, triển khai tốt các nhiệm vụ của hội trong cuộc bầu cử

Cập nhật: 12-03-2021 | 08:17:25

Năm 2021 là năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Hội LHPN tỉnh có vai trò và nhiệm vụ trong việc triển khai thực hiện các phần việc để góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh thành công tốt đẹp. Dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn với bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về một số nội dung xoay quanh vấn đề này.

Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn cơ sở hội công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: QUỲNH NHƯ

- Thưa bà, bà có thể cho biết về chính sách, tỷ lệ cán bộ nữ tham chính cùng số liệu về nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay của tỉnh?

- Quốc hội, HĐND là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân tại Trung ương và địa phương. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp là hình thức dân chủ trực tiếp và phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng trong việc xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Hội LHPN tỉnh xác định, mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cần tích cực tham gia trách nhiệm để góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử sắp tới. Trong đó, chúng tôi tập trung hướng đến trang bị cho cán bộ hội các cấp có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc bầu cử và phát huy vai trò giám sát xã hội của các cấp hội nhằm bảo đảm thực hiện tốt các chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong quá trình tổ chức kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách bình đẳng giới, trong đó có mục tiêu và tỷ lệ nữ tham chính ở Việt Nam, cụ thể: Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đã nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan đơn vị có tỉ lệ nữ từ 30% trở lên nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020. Đặc biệt, trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội cũng có quy định rõ về số lượng đại biểu nữ tham gia ứng cử, tự ứng cử, bảo đảm ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là nữ, trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ.

Thực hiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chúng ta phấn khởi khi tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ở 3 cấp đều tăng so với chỉ tiêu của Chỉ thị 35 và cao hơn so với nhiệm kỳ trước từ 2 - 3%. Nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII, cả nước có 9 Bí thư Tỉnh ủy là nữ. Riêng Bình Dương, nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 10 đồng chí, trong đó có 2 đồng chí nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tỷ lệ này cũng tăng so với nhiệm kỳ trước. Điều này đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và trưởng thành của đội ngũ cán bộ nữ các cấp.

- Hội LHPN tỉnh đã triển khai những phần việc gì cho ngày bầu cử tới đây, thưa bà?

- Hội LHPN tỉnh xác định, mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cần tích cực tham gia trách nhiệm để góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử sắp tới. Trong đó, chúng tôi tập trung hướng đến trang bị cho cán bộ hội các cấp có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc bầu cử và phát huy vai trò giám sát xã hội của các cấp hội nhằm bảo đảm thực hiện tốt các chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới trong quá trình tổ chức kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay từ đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch để hướng dẫn, tổ chức cho các cấp hội thực hiện tốt công tác tuyên tuyền và giám sát tại địa phương của mình, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế.

Trong đó, thông qua vai trò của lãnh đạo Hội LHPN các cấp, hội đã tích cực giới thiệu nguồn nữ ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đồng thời, quá trình hiệp thương lần 1 diễn ra đã bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử viên đạt trên 35%.

Hội LHPN tỉnh cũng đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn Hội LHPN cấp huyện và cơ sở cũng như các chi hội phát huy vai trò của giới nữ trong hoạt động tuyên truyền và giám sát xã hội đối với cuộc bầu cử sắp tới. Cụ thể, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 với 94 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hội nghị có các đồng chí đại diện các ban tham mưu xây dựng Đảng và hơn 1.500 đại biểu là đại diện Ban Thường vụ và cán bộ chuyên trách Hội LHPN tỉnh, Hội Phụ nữ Công an tỉnh, đại diện lãnh đạo các Thành ủy, Huyện ủy; Ban Thường vụ Hội LHPN các huyện, thị, thành phố; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã phường, thị trấn, Chi hội trưởng, Chi hội phó đã tham dự.

Báo cáo viên của hội nghị trực tuyến là đồng chí Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Chính sách - Luật pháp Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đã quán triệt nội dung các văn bản về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND, vai trò của Hội LHPN các cấp trong bầu cử; đồng thời hướng dẫn công tác tuyên truyền, giám sát bầu cử; truyền đạt quan điểm của Đảng, pháp luật về bầu cử, văn bản của hội về ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử, đặc biệt là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của công dân tới cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác bầu cử, quá trình tổ chức thực hiện và kết quả bầu cử…

Trước đó, hội cũng đã mời bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh, nguyên đại biểu Quốc hội, chia sẻ về ý nghĩa của công tác bầu cử, vai trò của Hội LHPN trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

- Những hoạt động sắp tới mà Hội LHPN tỉnh chỉ đạo cơ sở hội thực hiện về bầu cử là gì, thưa bà?

- Hội LHPN tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp hội tập trung tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia thực hiện quy trình về giới thiệu ứng cử viên (tiếp xúc với cử tri cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, lấy ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong bầu cử); tăng cường công tác thông tin, truyền thông và đồng hành, hỗ trợ các nữ ứng cử viên. Hội LHPN các cấp trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát, phát huy vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức hội trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức, tích cực tham gia đi bầu cử nhằm thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân cũng như vận động gia đình, người thân đi bỏ phiếu đầy đủ.

Các cấp hội tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ giám sát bầu cử tại các địa phương nhằm bảo đảm kết quả bầu cử đạt chất lượng tốt nhất, phấn đấu đạt được chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Riêng cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho các nữ ứng cử viên ứng cử lần đầu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, nhiệm kỳ 2021-2026.

- Xin cảm ơn bà!

TÌNH HÌNH PHỤ NỮ THAM CHÍNH CỦA VIỆT NAM: NĂM 2015 VIỆT NAM XẾP THỨ 88/145, NĂM 2016 XẾP THỨ 84/144, NĂM 2017 XẾP THỨ 97/144, NĂM 2018 XẾP THỨ 99/149, NĂM 2019 XẾP THỨ 110/153. Ở TRONG NƯỚC, TỶ LỆ NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUA CÁC KHÓA TỪ X-XIV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHÌN CHUNG CHƯA ĐẠT CHỈ TIÊU NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG ĐỀ RA.

QUỲNH NHƯ (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM